Nhắc đến hạt cà phê, mọi người thường quan tâm đến hương vị mà đôi khi quên mất phương pháp chế biến. Tùy từng phương pháp chế biến khô hay ướt mà vị cà phê sẽ thay đổi. Cùng Chappi Mountains Coffee tìm hiểu về các phương pháp này nhé.
◾ Chế biến khô (Sun - Dried/Natural)
Phổ biến hơn với cái tên Natural, quá trình này đơn giản là phơi quả dưới ánh nắng, thường xuyên sàng lật cho đều các mặt sau đó ép thịt quả, vỏ thóc để lấy thành phẩm là cà phê nhân.
Phương pháp chế biến khô có nhiều ưu điểm:
- Tận dụng được năng lượng thiên nhiên: mặt trời, gió.
- Không phải đầu tư nhiều vào máy móc như phương pháp chế biến ướt.
- Phù hợp với khí hậu hầu hết các quốc gia đang trồng cà phê.
Hạt cà phê được chế biến khô sẽ mang vị ngọt, đắng tự nhiên, ít chua và có vị hương hoa quả. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng sẽ xuất hiện mùi cỏ dại hay mùi hoa quả lên men.
◾ Chế biến ướt (Wet/washed processed)
Quả cà phê sau khi thu hoạch được ngâm trong nước để phân biệt quả chưa chín và quả có khiếm khuyết. Những quả không đạt chất lượng sẽ nổi lên bề mặt và bị loại bỏ ngay.
Sau đó, cà phê sau khi được phân loại sẽ được đưa vào máy nghiền để loại bỏ lớp vỏ và thịt hạt. Lớp chất nhầy trên hạt cà phê sẽ được loại bỏ sau quá trình lên men trong bể nước từ 8 - 50 giờ. Thời gian lên men tùy thuộc vào thiết bị, khí hậu và nhu cầu của nhà sản xuất.
Phương pháp này có ưu điểm là tạo ra được một phẩm chất hương vị cao hơn cho cà phê. Bởi khi chế biến ướt, hạt cà phê sẽ được lên men bằng chính hệ enzim có trong hạt hoặc các vi sinh vật giúp phát triển tối đa hương vị trong hạt cà phê. Cũng như tên gọi của nó, nhược điểm của phương pháp này là tốn nhiều nước. Nếu không xử lý tốt có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra dịch bệnh cho cây trồng.
Khi hạt cà phê được chế biến ướt sẽ mang đến sự tồn dư một vị chua hơn so với chế biến khô. Vì vậy tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn tùy phương pháp chế biến.